HỘI NGHỊ THỐNG KÊ TOÀN QUỐC
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chủ trì Hội nghị.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một bộ máy thống kê vững mạnh nhằm cung cấp thông tin hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ người dân, Bộ trưởng cho rằng Hội nghị thống kê toàn quốc lần này có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương. Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người làm công tác thống kê tại các đơn vị và các đại biểu tham dự Hội nghị cần đánh giá một cách khách quan kết quả đạt được trên các mặt hoạt động cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập, đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển thống kê Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu quốc tế chia sẻ và khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam những giải pháp để Thống kê Việt Nam có thể hội nhập và phát triển trong cộng đồng thống kê quốc tế và khu vực.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã trình bày Báo cáo “Công tác Thống kê Nhà nước – kết quả đạt được và nhiệm vụ trong thời gian tới”.
Sau khi xem phim tài liệu “Thống kê Việt Nam – Hành trình vững bước”, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã trình bày Báo cáo “Công tác Thống kê Nhà nước – kết quả đạt được và nhiệm vụ trong thời gian tới”. Theo đó, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống thống kê Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và Nhân dân, Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận thể hiện qua một số nội dung chính sau: (1) Thể chế, các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế, được triển khai có hiệu quả; (2) Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao; (3) Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê; (4) Hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; (5) Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài; (6) Hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam; (7) Cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Báo cáo cũng đưa ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại: (1) Tổ chức thống kê tại bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Hiện còn 11 bộ, ngành chưa thành lập tổ chức thống kê chuyên trách; phần lớn công chức thực hiện công tác thống kê kiêm nhiệm; (2) Chưa có quy định thống nhất đối với công tác thống kê tại các sở, ngành, xã, phường, thị trấn; chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công việc gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cũng như tổ chức chỉ đạo các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê trên địa bàn; (3) Về thực hiện công tác chuyên môn, việc phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê giữa hệ thống thống kê của bộ, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương với Tổng cục Thống kê còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời; công tác phân tích và dự báo được tăng cường nhưng chủ yếu vẫn là mô tả số liệu; một số chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa được thu thập, tổng hợp và công bố do còn thiếu phương pháp luận, nguồn thông tin đầu vào và nguồn lực; việc chấp hành Luật Thống kê và các chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê của một số đơn vị cơ sở chưa nghiêm; (4) Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo mật, an toàn an ninh hệ thống; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất và hệ thống thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tần suất nhanh; nhiều Chi cục Thống kê chưa có trụ sở làm việc riêng, đơn giá ngày công thuê điều tra viên thấp so với mức lương tối thiểu của lao động trên địa bàn.
Nguyên nhân của những hạn chế và bất cập trong hoạt động thống kê của hệ thống thống kê nhà nước được đề cập trong báo cáo gồm có: Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ; Một số bộ, ngành và địa phương chưa thường xuyên quan tâm và sử dụng số liệu thống kê; Phương pháp luận thống kê chưa theo kịp sự đổi mới và nhu cầu thực tế trong quá trình chỉ đạo, điều hành ở các cấp; Tổ chức, bộ máy thống kê ở một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện; nhân lực làm công tác thống kê mỏng, không ổn định, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; Cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí cho công tác thống kê còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc; Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thống kê chưa hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật thống kê của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa nghiêm, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước trong thời gian tới, Báo cáo nhấn mạnh Thống kê Việt Nam cần khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trước mắt tập trung vào các nội dung sau: Hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; Tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; Hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; Tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê.
Báo cáo đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước, đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Hội nghị cũng được nghe các bài tham luận của một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan thống kê và tổ chức quốc tế đề cập đến việc thực hiện công tác thống kê, công tác phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê, thực trạng sử dụng số liệu thống kê trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê và những khó khăn, bất cập trong triển khai công tác thống kê trên địa bàn cấp huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể Hội nghị. Thủ tướng đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thống kê như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Đánh giá về hoạt động của Thống kê trong năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh những thành công chủ yếu: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành, đảm bảo thông tin, cung cấp số liệu đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ và các cấp lãnh đạo; Thông qua được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Thực hiện tốt công tác chuyển đổi số; Kiện toàn mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê từ Trung ương tới địa phương theo hướng chuyên môn hóa; Hợp tác quốc tế về thống kê được đẩy mạnh, từng bước vững chắc áp dụng những tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và hoan nghênh những thành công và đóng góp của ngành Thống kê trong thành công chung của cả nước năm 2021, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển đất nước.
Thực hiện công tác thống kê trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo ngành Thống kê cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác thống kê trên toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền; thống kê đảm bảo đầy đủ, toàn diện, khách quan, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục và phân tích đánh giá, dự báo phải sát với tình hình và sử dụng có hiệu quả số liệu thống kê; đầu tư cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương cần trực tiếp chỉ đạo, nắm về công tác thống kê để có số liệu; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, gắn với việc cơ cấu lại và xây dựng bộ máy tinh gọn, làm việc có hiệu quả gắn với vị trí việc làm; đầu tư hơn cho việc nâng cao chuyển đổi số, kết hợp với các nền tảng chung; hoàn thiện thể chế; phối hợp với các bộ, ngành chặt chẽ và có hiệu quả; công tác hợp tác quốc tế sâu rộng; chi phí hành chính thấp người dân được thụ hưởng không để ai bỏ lại phía sau. Thủ tướng căn dặn ngành Thống kê phải biến số liệu thành những con số biết nói, là cơ sở để các cấp chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước. Mọi hoạt động đối nội, đối ngoại đều phải dựa vào số liệu thống kê, phải gắn liền số liệu thống kê với phân tích, đánh giá và dự báo.
Đáp từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chân thành cảm ơn Thủ tướng đã ghi nhận, cổ vũ, động viên những kết quả, thành tựu đã đạt được của hệ thống thống kê nhà nước. Với tinh thần “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”, Tổng cục trưởng xin thay mặt những người làm công tác thống kê trong Hệ thống Thống kê Nhà nước hứa sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bằng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành, địa phương. Hệ thống thống kê nhà nước nói chung, Tổng cục Thống kê nói riêng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức quốc tế.
Nguồn: Tổng cục Thống kê